[Mineola, New York, ngày 19 tháng 4 năm 2022] – Các thầy thuốc, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và nhà phân phối Y học cổ truyền từ khắp nơi trên thế giới đã tập hợp để khởi động một sáng kiến mới nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu bằng cách cam kết không sử dụng các loài có nguy cơ tuyệt chủng trong các phương pháp chữa bệnh của họ.
Mạng lưới Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền đã được ra mắt tại một cuộc họp ở Trường Y học Cổ truyền New York (New York College of Traditional Chinese Medicine) tại Mineola vào ngày 14 tháng 4.
Những người tham dự đã thảo luận cách thúc đẩy các phương pháp chữa bệnh có đạo đức và thân thiện với môi trường và đặc biệt là cách khai thác di sản phong phú của Y học cổ truyền trong khi vẫn ưu tiên bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Các bài trình bày tập trung vào các giải pháp thay thế tổng hợp, thảo dược hoặc bền vững cho những sản phẩm như vảy tê tê, mật gấu, xương hổ hay sừng tê giác – những loại dược liệu vốn được sử dụng trong Y học cổ truyền để điều trị nhiều loại bệnh bao gồm ung thư và các bệnh tim mạch.
“Việc ra mắt chính thức Mạng lưới Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền, nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà lãnh đạo ưu tú, cho thấy Y học cổ truyền đang chuyển mình theo hướng phát triển bền vững”, Tiến sĩ Yemeng Chen, Hiệu trưởng Trường Y học Cổ truyền New York và đồng chủ tịch Mạng lưới, cho biết.
“Là những người hành nghề, bằng cách điều chỉnh các phương pháp hành nghề của chúng tôi theo các nguyên tắc bảo tồn và tôn trọng đa dạng sinh học, chúng tôi không chỉ bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng mà còn tôn vinh trí tuệ cổ xưa của Y học cổ truyền.”
Mặc dù Y học cổ truyền đã đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi về vai trò của nó trong sự suy giảm số lượng các loài động vật bao gồm tê tê, tê giác và hổ, nhưng vai trò tích cực mà nhiều nhà lãnh đạo Y học cổ truyền có ảnh hưởng đã đóng góp trong việc bảo vệ động vật hoang dã suốt 30 năm qua lại ít được công nhận.
Trong số đó có bà Lixin Huang, cựu Hiệu trưởng Trường Y học Cổ truyền Hoa Kỳ (American College of Traditional Chinese Medicine), người đã điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ và phát biểu tại Hội nghị lần thứ 14 của Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) vào năm 2007 để phản đối nỗ lực của các chủ trại nuôi hổ muốn khôi phục lại hoạt động thương mại xương hổ ở Trung Quốc.
Cũng trong hàng ngũ những người tiên phong còn có Tiến sĩ Lixing Lao, Hiệu trưởng Đại học Y học Tích hợp Virginia (Virginia University of Integrative Medicine) và đồng chủ tịch Mạng lưới, người từng tổ chức hội nghị năm 2018 tại Hồng Kông với chủ đề cấp bách về bảo vệ loài tê tê, khi còn là Giám đốc Trường Y học Cổ truyền thuộc Đại học Hồng Kông (Hong Kong University’s School of Chinese Medicine).
Nhiều thầy thuốc và học giả tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ cũng đã dành nhiều năm nghiên cứu để tìm ra và phát triển các giải pháp thay thế bền vững – phần lớn là thảo dược – cho các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp. Điều này bao gồm cả các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, tại Trung Quốc đại lục, Việt Nam, Indonesia và một số quốc gia khác, các cửa hàng vẫn lén lút bày bán vảy tê tê, sừng tê giác và xương hổ nếu được giá. Những người hành nghề bất hợp pháp vẫn kê đơn các thành phần như vậy và vẫn tồn tại thị trường cho các loại thuốc được cấp bằng sáng chế hợp pháp sản xuất tại các bệnh viện được chỉ định ở Trung Quốc mà vẫn chứa vảy tê tê, mặc dù tê tê được liệt kê trong Phụ lục I của CITES và được chỉ định là loài được bảo vệ cấp I tại Trung Quốc vào năm 2020. Thực tế là, trong quá khứ không xa, việc sử dụng các loài nguy cấp trong giảng dạy và thực hành Y học cổ truyền là điều phổ biến và điều này vẫn còn tồn tại với một số loài nhất định cho đến nay.
Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, khi luật pháp được ban hành và tình trạng khai thác quá mức (một phần do nhu cầu lớn hơn từ dân số người dùng Y học cổ truyền ngày càng tăng) đã ảnh hưởng rõ rệt đến nhiều loài, các thầy thuốc đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế.
Những người đang thúc đẩy việc tiếp tục sử dụng động vật nguy cấp ngày nay thường không phải là các thành viên chính thống, tuân thủ pháp luật của cộng đồng Y học cổ truyền toàn cầu. Thay vào đó, là các đối tượng buôn lậu, thương lái, chủ trại nuôi, công ty dược phẩm, người hành nghề trái phép và các nhóm có mục tiêu thương mại khác – những người tìm cách thu lợi từ việc buôn bán các loài nguy cấp. Người tham dự hội nghị cho rằng, họ đã lợi dụng danh nghĩa Y học cổ truyền và cộng đồng hành nghề để làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Y học cổ truyền trên toàn cầu.
“Là một người hành nghề Y học cổ truyền, chúng tôi phải lên tiếng, chúng tôi phải cất lên tiếng nói và để công chúng nghe thấy rằng chúng tôi phản đối việc sử dụng các loài có nguy cơ tuyệt chủng”, Tiến sĩ Lao nói. “Đó không phải là một phần của thực hành Y học cổ truyền. Chúng tôi nhấn mạnh sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Bảo vệ môi trường là nguyên tắc của chúng tôi.”
Trong thời gian tới, Mạng lưới sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại, hợp tác và giáo dục trong cộng đồng Y học cổ truyền, hướng đến các thực hành có đạo đức, phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững và tôn trọng mọi sinh vật sống. Để được giải đáp thắc mắc hoặc biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ: Jenniffer Wu, Thư ký, wildlifeprotectionintcm@gmail.com